Thứ 5,04/01/2024
Administrator
442
Administrator, 04/01/2024
442
Mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CAGG) đã nâng số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ 22 lên 41 doanh nghiệp.
Trong đó, có 22 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu từ ngày 2/1/2021 đến ngày 2/1/2026 là hết hạn và 4 doanh nghiệp đến ngày 30/12/2026. Số còn lại đến năm 2028 là hết hạn. Sau khi hết hạn, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp tục xuất khẩu gạo sang thị trường này thì phải làm thủ tục xin cấp giấy phép mới.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc sẽ tăng tính cạnh tranh
Nhận xét về việc CAGG tăng số doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ 22 lên 41, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, việc Trung Quốc cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường này là một tin vui nhưng cũng có những cái khó riêng, khi đó sẽ có những doanh nghiệp xuất khẩu với số lượng nhỏ và chào bán giá thấp làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp bán sản lượng lớn. Mặt khác, khi có nhiều người bán thì khách mua sẽ cân nhắc chọn lựa kỹ càng hơn nên mua ở đâu, mua với ai, ép giá gạo xuống.
“Càng nhiều doanh nghiệp thì cạnh tranh càng gắt gao hơn vì mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu gạo và nếp từ Việt Nam chỉ xoay quanh 1 triệu tấn. Mặt khác, Trung Quốc làm dự trữ quốc gia rất tốt, lúc giá gạo cao thì chính phủ xuất kho bình ổn thị trường gạo trong nước, khi giá thấp họ mới mua vào. Hiện, giá gạo Việt Nam cao hơn các nước xuất khẩu và quá cao so với giá nội địa nên thương nhân Trung Quốc hạn chế mua gạo của Việt Nam, vì nếu mua về bán sẽ bị lỗ”, ông Đôn nói.
Không chỉ gạo mà giá nếp của Việt Nam cũng đang cao hơn nếp ở Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam chào giá 605 USD/tấn và dù đang mùa cao điểm làm bột bánh Tết ở nước này nhưng thương nhân Trung Quốc cũng không mua vào, vì giá nếp ở Trung Quốc chỉ có 570 USD/tấn, thấp hơn 35 USD/tấn so với nếp Việt Nam.
“Tôi đã mua vào một số nếp để chuẩn bị bán nếp Tết cho Trung Quốc nhưng tới nay vẫn chưa bán ra được dù chào giá 603 USD/tấn, do họ còn nhiều nếp nên rất khó bán. Bây giờ Chính phủ Trung Quốc cấp quota nhập khẩu gạo miễn phí, không bán như trước, nên các thương nhân không gấp mua vào và chờ lấy quota năm 2024 sau đó mới tính đến việc mua gạo hay nếp”, ông Đôn cho hay.
Bị buộc sử dụng cho hết quota nên thương nhân Trung Quốc mua gạo giá cao chịu lỗ
Đồng quan điểm với ông Đôn, một doanh nghiệp có văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, đứng ở góc độ Việt Nam, khi có nhiều công ty xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, còn việc Trung Quốc tăng hay giảm lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam do tình hình giá gạo của họ và giá gạo tại Việt Nam. Mỗi năm Chính phủ Trung Quốc cấp quota nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo, nhưng không phân bổ hạn ngạch cụ thể cho từng thị trường mà các thương nhân sẽ là người quyết định và giá gạo của nước xuất khẩu sẽ là yếu tố để họ quyết định mua của nước nào và số lượng bao nhiêu.
“Khi Ấn Độ chưa cấm xuất khẩu gạo và giá gạo trắng của nước này rất rẻ nên thương nhân Trung Quốc mua gạo của Ấn Độ rất nhiều. Mặc khác họ cũng quan sát các nước xuất khẩu gạo khác, như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar xem nước nào có giá bán tốt họ sẽ mua vào. Do vậy, việc thương nhân Trung Quốc mua gạo của Việt Nam nhiều hay ít là do giá gạo của Việt Nam có cạnh tranh hay không, không phụ thuộc vào số lượng doanh nghiệp Việt Nam 22 hay 41. Năm nay, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gạo từ Việt Nam do nước này trúng mùa, thậm chí đến thời điểm này sản lượng nếp của Trung Quốc vẫn còn rất nhiều”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Thông thường từ tháng 1 đến tháng 5, thời điểm Việt Nam thu hoạch vụ lúa Đông Xuân gạo có chất lượng rất tốt cũng là lúc Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam mạnh nhất trong năm. Tuy nhiên, còn tùy thuộc tình hình thị trường của mỗi nước, hiện ở Trung Quốc giá gạo đang khá thấp mà mặt bằng chung gạo Việt Nam đang rất cao, nên thương nhân Trung Quốc không mua gạo Việt Nam vì nếu mua về cũng không bán ra được.
Thời gian gần đây, dù giá gạo Việt Nam vẫn cao hơn giá gạo nội địa nhưng thương nhân Trung Quốc vẫn phải mua cho hết lượng quota đã được cấp nếu không sang năm sẽ bị trừ quota.
“Thật ra lượng quota cuối năm của thương nhân Trung Quốc cũng không còn nhiều nên họ chấp nhận mua gạo Việt Nam giá cao để giải quyết xong lượng quota còn tồn dư, chờ qua năm 2024 được cấp quota mới, nếu năm nay không sử dụng hết lượng quota đã cấp thì sang năm họ sẽ bị giảm lượng cấp lại”, doanh nghiệp này nói.
Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 895.625 tấn, trị giá 517,627 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10,85% về khối lượng và tăng 26,71% về kim ngạch nhờ giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Nguồn: thitruongtaichinhtiente.vn